TỪ BÀI VIẾT CÔ ĐƠN CỦA PHẠM THỊ Y



            



 Có một nhà Sư đã nói: Thân xác là phần hữu hình, là nhà tù nơi giam giữ phần tâm linh là phần vô hình của một con người. Cũng có một nhà Sư khác đã nói: Cuộc đời là “vô thường”, con người khi đi đến trong cuộc sống, khi lìa khỏi cuộc sống cũng là vô thường, và con người ( chúng sanh ) hiện hữu rồi mất đi trong cõi tạm này cũng đều do NGHIỆP và DUYÊN của họ tạo thành.

            Bài viết của Bạn ngắn đọc xong rồi nghe nỗi suy tư trăn trở sao mà dài rộng đến vậy ? Phàm làm con người, có ai qua khỏi cảnh nhìn thấy cha mẹ mình người thân mình thân thể bị những cơn đau hành hạ trước khi qua đời, nhưng biết làm sao được chúng ta quá nhỏ nhoi trước tạo hóa vô cùng.  Nhưng nỗi đau buồn có bộc phát rồi cũng phải nén lại để mà sống  và chịu đựng đón nhận những điều bất hạnh phía trước, cái “ nghiệp” luôn đeo đẳng chúng ta suốt trong quãng đời còn lại.

            Hằng ngày tôi vẫn thường suy nghĩ về qui luật bất biến “sanh, lão, bệnh, tử”, sống ở trên đời ai rồi cũng phải nếm trải chia ly đau đớn và đầy nước mắt, tôi cũng đã từng bất lực trước sự ra đi của những người thân mình. Nhưng rồi thời gian cũng qua đi, cuộc sống cuốn hút mình vào những lo toan phải đối diện, những suy tư trăn trở rồi cũng tạm lắng xuống. Đọc bài viết của bạn gợi cho tôi nhớ lại mọi điều, dù đã nhiều năm qua đi mà sao nghe như vừa mới xảy ra….

            Sau ngày giãi phóng gia đình vợ tôi về tại xã Sùng Nhơn huyện Đức Linh Bình Thuận. Trước giãi phóng xã Sùng Nhơn là vùng căn cứ địa, là vùng rừng núi xa xôi của tỉnh Bình Thuận, chỉ có một ít cư dân bám trụ ở lại, sau này dân lưu tán vì chiến tranh như gia đình bên vợ tôi và dân kinh tế mới các nơi được đưa về, đời sống kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Là một xã xa xôi của một huyện miền núi, bị ngăn cách mọi thứ cả về địa lý cũng như trong sinh hoạt hàng ngày: cầu đường chưa có, phương tiện di chuyển thì không,chủ yếu là đi bộ và xe đạp ( mà không phải ai cũng có ), mua bán tiêu dùng chỉ có ở cửa hàng quốc doanh phải có sổ phân phối, hàng hóa thì nghèo nàn ( nếu phong phú thì làm gì có nhiều tiền để mà mua ) buôn bán nhỏ lẻ bị cấm. Bệnh nặng đến bệnh viện huyện phải khiêng bằng võng, cũng may mắn là giai đoạn đó y tế được nhà nước bao cấp. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu bằng tay, sản phẩm làm ra không được nhiều  vì vậy đời sống dân cư ở đó còn nhiều khó khăn. Gia đình bên vợ tôi cũng không ngoại lệ.

             Như phần đông những gia đình tham gia chế độ cũ, cha vợ tôi phải đi học tập cải tạo sau ngày giải phóng.  Là một gia đình đông con, chỉ có vợ tôi là con gái lớn trong gia đình còm lại 7 đứa em đang tuổi ăn, tuổi học và bà mẹ già luôn đau yếu tài sản không còn gì sau những ngày đi hết nơi này đến nơi khác để tránh bom đạn chiến tranh, chỉ còn lại là hai bàn tay trắng với bầy con nheo nhóc và cái cơ cực luôn đeo bám. Là trụ cột trong gia đình đã rất nhiều khó khăn trong một gia đình nghèo, trong một địa phương cũng còn rất nghèo nếu không muốn nói là còn sơ khai nhiều mặt sau thời gian dài bị chiến tranh tàn phá, phải xây dựng lại từ đầu. Ông đi cải tạo cái gánh nặng ấy trao lại cho một gia đình nghèo, toàn đàn bà và con nít.

            Trong thời mới giải phóng, tất cả là hợp tác hóa, tập thể hóa, ruộng đất được phân chia theo đội tổ sản xuất, người tham gia lao động được bình công chấm điểm sau ngày làm việc, sản phẩm làm ra được chia theo công điểm của mỗi người vào cuối vụ thu hoạch sau khi đã trừ phần đóng góp nghĩa vụ cho nhà nước và tích lũy lại cho tập thể, nuôi được con heo phải bán cho quốc doanh hay đổi hàng tiêu dùng 2 chiều. Gia đình vợ đã khó khăn càng khó khăn hơn, nỗi cơ cực được đặt lên vai hai người phụ nữ thay trụ cột gia đình, nhưng nào có được bình yên trong gian khổ chịu đựng để chờ chồng, chờ cha mãn hạn cải tạo trở về, rồi tai ương ập đến với gia đình toàn đàn bà và đàn con còn trẻ dại. Là vùng đất mới nên căn bệnh sốt rét mặc sức hoành hành, ai trong giai đó cũng phải trải qua ít nhất là một trận sốt thập tử nhất sinh, nặng thì dẫn tới sốt ác tính chết người, may mắn nhẹ thì qua khỏi. Gia đình vợ tôi cũng vậy, con hết đứa này bệnh chưa khỏe, đứa kia lài ngã bệnh, bao nhiêu lo toan đè nặng trên vai người phụ nữ yếu đuối – phần lo làm lụng để có nhiều khoai sắn lúa gạo nuôi con, dành dụm chắt chiu thăm nuôi chồng đang cải tạo, và gởi cho cậu con trai thứ năm đang học cấp 3 cách đó hơn 15 cây số một tuần chỉ hơn 2 ký gạo,còn là độn. Sống trong thực tế đầy bất trắc lo âu luôn đeo bám bà trong cả giấc ngủ không yên, trong công việc lao động nặng nhọc đến cả bữa cơm đạm bạc, và một ngày mai đầy xám xịt. Rồi như thế, căn bệnh tim đã dần hình thành trong cơ thể  gầy yếu của bà, những tưởng khi người chồng mãn hạn cải tạo trở về, niềm vui đoàn viên vì được sẻ chia gánh nặng, vơi bớt đi những lo toan, nhọc nhằn trong cuộc sống để căn bệnh tim của bà sẽ dần hồi phục. Nhưng di chứng quái ác đã làm con tim bà càng suy yếu và mãi mãi không bao giờ không bao giờ khỏe lại,trong cái gia đình nghèo khó và trong giai đoạn thuốc men vô cùng khan hiếm ở miền đất nghèo xa xôi hẻo lánh.

              Cái khổ từ người vợ bây giờ được trả lại trên vai người chồng cũng không lấy gì mạnh khỏe xốc vác, vì trước đây tuy ở nông thôn nhưng làm công chức cho chính quyền của chế độ cũ, ông cũng ít tham gia công việc nặng nhọc. Sau khi đi cải tạo một năm rưỡi trở về, cô con gái lớn cũng đến tuổi lấy chồng (là vợ tôi bây giờ ), rồi mấy năm sau đến lượt hai cô em vợ. Cái khổ chẳng vơi đi khi có người đàn ông trụ cột trong gia đình, rồi phải lo toan lăn lộn để nuôi mẹ già luôn đau yếu bệnh hoạn,những đứa con nhỏ còn lại trong nhà đang tuổi ăn tuổi học, thuốc men chạy chữa cho người vợ với cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện ngày càng nhiều hơn, cảnh nhà đã bấn càng bấn hơn. Cái cơ cực của cha vợ tôi chừng như đã đến đỉnh điểm, không còn gì hơn thế được nữa. Người vợ bao nhiêu năm yêu thương, bao nhiêu năm tảo tần gồng gánh  giang san sự nghiệp cho chồng, cùng trãi qua muôn vàn đắng cay gian khổ đã ra đi bỏ lại cho ông đứa con gái nhỏ 8 tháng tuổi còn bú mẹ, nỗi cô đơn hụt hẫng đang trải dài trước mắt. Mẹ vợ chết ở bệnh viện tỉnh vào một buổi trưa tháng 6 năm 1980 sau cơn nhồi máu cơ tim đột ngột, sau cái sức chịu đựng cuối cùng cùng của con tim hồi hợp lo âu bởi những tháng ngày cơ cực. Bà bỏ ra đi, để cho người ở lại niềm thương tiếc khôn cùng.






             Vợ chồng tôi, cha vợ, ông chú vợ thứ ba, cô em vợ đưa mẹ trong chiếc võng được cột trên chiếc xe lam mà nhờ người quen mới tìm thuê được. Cái đáng sợ và đáng nhớ mới bắt đầu. Đến Võ Xu thì trời đã tối, con đường đất ra đến bến đò sau những cơn mưa đầu mùa lầy lội xe không thể đi được, phải tìm cây rồi cột hai đầu vỏng khiêng mẹ đi đến bến đò. Ngày đó Huyện Đức Linh được chia nam – bắc bởi con sông La ngà nên thường gọi là nam sông, bắc sông, cầu đang trong giai đoạn đầu thi công nên mọi sự đi lại đều nhờ vào những chuyến đò ngang, kể cả người bệnh hay người chết. Lên bờ cũng là đoạn đường đất khoảng 3 cây số, may mắn đêm đó không mưa, nhưng trời tối mịt mùng và gió, chiếc đèn đầu hột vịt nhỏ cứ thắp lên là bị gió thổi tắt, cha tôi phải đốt bó nhang lớn đi trước để dẫn đường, cứ thế chúng tôi mò mẫm trong đêm tối khiêng mẹ đi đến cầu Đỏ. Đến đây, sự sợ hãi và kinh khủng được nhân lên, nói cầu là nói theo dịa danh bây giờ, chớ ngày trước làm gì có cầu. Là con sông chảy ngang cánh đồng của xã Mépu, nó nhỏ hơn con sông La Ngà một chút, cũng là sông sâu  nhưng nước không nhiều bằng con sông La Ngà nên không có đò. Để đi lại người ta trồng trụ gổ thành nhiều vai và gác 2 miếng ván lên mỗi vai để đi lại, hình thức như cầu khỉ ở vùng sông nước Nam bộ. Ban ngày mang vác đi lại còn khó khăn huống chi là đêm tối khiêng người chết đi qua. Nhưng biết sao được, không thể để thi hài mẹ giữa đường trên cánh đồng không mông quạnh trong đêm tối, mà trởi thì không biết sẽ đổ mưa lúc nào mà chờ cho đến sáng. Cũng may trước đó khi về đến xã Nam Chính xe dừng lại để gởi vợ và đứa con nhỏ 8 tháng tuổi của tôi ở lại một nhà bà con xa phía bên vợ,  vì không thể bồng con nhỏ đi bộ xa trong đêm tối, hơn nữa lúc này vợ tôi cũng bị bệnh đang điều trị ở bệnh viện tỉnh cùng lúc với mẹ và nhờ một người đi theo để phụ khiêng võng. Sông sâu, cầu ván tạm bợ chênh vênh, hai tấm ván cứ liên hồi nhún nhảy theo mỗi bước chân, nhìn bên dưới là khoảng tối thăm thẳm. Hai người, khiêng hai đấu võng cứ lần mò từng bước một không dám đi nhanh, bó nhang cháy làm đớm lửa dẩn đường không đủ soi sáng cho cã hai người trước và sau đầu vỏng, nếu sơ sẩy bước một chân ra ngoài thì hai người khiêng và thi hài mẹ tôi sẽ rơi tỏm xuống sông , không biết sẽ ra sao nếu chuyện đó xảy ra thì đúng là tai họa chồng lên tai họa, cha tôi vừa cầm bó nhang soi đường vừa luôn miệng nhắc chừng. Qua khỏi cây cầu tạm đáng sợ đó, mọi người gần như mệt lả, nỗi lo không còn nữa, nhưng cái mệt vẫn còn vì phía trước vẫn còn gần 7 cây số nữa mới đến nhà. Phải cố gắng thôi, 3 người thay phiên nhau thế vai. Vừa đói vừa mệt, lúc ở bệnh viện chuẩn bị ăn cơm thì mẹ mất làm sao mà nuốt trôi miếng cơm đắng ngắt, đoạn đường phía trước còn dài mà đôi chân đi không muốn vững chực khuỵu xuống, bước đi như người say rượu, chân này muốn đá chân kia. Đưa mẹ về tới nhà  thì đêm đã khuya, moi người gần như kiệt sức.

              Nổi đau vì kẻ còn người mất, vì cảnh sinh ly tử biệt, buồn vì những tháng ngày dịu vợi trước mắt trơ trọi một mình gà trống nuôi con. Nước mắt được nuốt vào trong để lo dám tang cho mẹ, ông vẫn bình thản chu toàn mọi việc, một sự tỉnh táo đến kỳ lạ. Tôi hiểu điều đó qua đôi mắt đỏ gay của ông và cách ông sắp xếp công việc mà hiếm có người đàn ông nào làm được như thế, Vì đám tang thời đó ở quê tôi chưa có dịch vụ mai táng. Và hơn hết, ông phải tỉnh táo trước bầy con hoảng loạn vì mất mẹ.

            Thân thể ông đã gầy, càng gầy rộc đi sau đám tang của mẹ. Đôi mắt đỏ gay trên khuôn mặt bình lặng để che đậy bên trong là những đau đớn tột cùng, là một tâm hồn với khoảng trống mênh mông lạnh giá không có gì có thể che lấp và xoa dịu. Lúc đó tôi đã hiểu, vì có đêm tôi giật mình thức giấc, nhìn thấy ông bồng đứa em út 8 tháng tuổi đang khóc vì khát sữa và nhớ hơi ấm từ lòng mẹ. Tiếng ru con của ông đã khàn đục, nghe não nề trong đêm khuya khoắt và tiếng những giòng nước mắt được nuốt vào trong. Cứ nhiều đêm như thế đứa em mới quên được dần hơi ấm và giòng sữa ngọt ngào của mẹ. Rồi thời gian cũng dần qua đi, những lo toan, bận bịu trong cuộc sống, tình thương yêu bây giờ ông dồn hết lên bầy con mất mẹ, gánh nặng trong cuộc sống làm ông qay quắt. Thoạt nhìn, tưởng như ông đã bình yên trở lại, nỗi se lòng trong ông đã được xoa dịu, nhớ nhung khắc khoải hằng đêm không còn làm ông trăn trở. Nhưng không, sự mất mát của ông không có gì bù đắp, mãi mãi sẽ không có gì bù đắp được, vẫn còn trong ông là những cơn thắt lòng vì nhớ thương người vợ đã mất, người cùng song hành với mình trên đường đời nhiều gian truân hơn vui sướng, trong ông là khoảng trống mênh mông, là những cơn bão lòng được giấu kín bằng bên ngoài bình lặng. Ngày mẹ mất, ông chỉ mới vượt qua cái tuổi 50 mươi, ở cái tuổi mà sau một thời gian hầu hết những người đàn ông đều có người đàn bà khác. Còn ông,có lẽ là sự nhớ thương chung thủy với người vợ đã mất làm ông lạnh lòng, ông không để mắt đến người phụ nữ nào khác dù chung quanh ông không hề thiếu. Những năm sau, mấy đứa  em vợ tôi rồi cũng lớn lên đã lập gia đình, có đứa ở gần ông, có đứa ở xa. Tuy cũng lo lắng cho ông, nhưng làm sao lấp được đầy khoảng trống trong ông khi tuổi già xế bóng, không ai hiểu được, hay chia sẻ được sự cô đơn của ông trong ngần ấy năm trời. Một mình với gánh nặng trên vai, ông bước đi trên con đường dài dằng dặc phía trước mà không có kẻ đồng hành.



              một lần nữa, tôi được chứng kiến sự ra đi của người đàn bà cùng sự cô đơn trống trải của người đàn ông thử 2 đó là cha ruột tôi. Mẹ tôi mất đột ngột vào tháng 2 năm 1995 do tai biến mạch máu nảo sau nhiều năm bị chứng cao huyết áp. Bà mất năm 72 tuổi, cái chết của bà không gây xao động ray rứt bằng cái chết của mẹ vợ, vì đàn con đã lớn đã yên bề gia thất. Bà ra đi bất ngờ nhưng thanh thản hơn, ít vướng bận, chuyện trần gian đã xong. Nhưng có sự chia ly nào không thấm đầy nỗi buồn và nước mắt, không để lại cho đàn con cháu sự hụt hẫng trống vắng vì có bao năm dài quen thấy mẹ, có mẹ trên đời. Chỉ nhìn thấy mẹ trong di ảnh trên bàn thờ, không còn hàng đêm chồng cõng đứa lớn, vợ bồng đứa nhỏ cùng với mấy chị em tụ lại nhà cha mẹ để nói chuyện đến khuya, bây giờ có nhắc đến mẹ là chỉ nói về người mẹ đã khuất, không còn cái cảnh hàng  ngày khi ôm cặp đi làm việc, đi ngang nhà tôi phải ghé vào để nhìn cha mẹ rồi mới đi. Có một điều lạ tôi không thể hiểu nổi, không hiểu là do trùng hợp ngẫu nhiên, hay do thần giao cách cảm dự báo một điều gì sẽ xảy ra, tôi không thể lý giải nổi. Năm 1995 Huyện tổ chức cho lãnh đạo Xã tham quan miền Bắc 15 ngày, kinh phí được tài trợ hoàn toàn, mới đầu nghe háo hức nhưng gần tới ngày đi sao không nghe còn ham muốn nữa. Đêm trước họp đoàn ở huyện để nghe phổ biến nội quy và lịch trình chuyến tham quan, Sáng hôm sau phải có mặt tại sân UB huyện trước 4 giờ 30 để đi. Sáng hôm đó vẫn dậy sớm, vợ thì dục, nhưng tôi cứ cà rịch cà tang mãi và còn nói: “sao tui không muốn đi bà ơi”. Xuống tới sân huyện thì thấy vắng tanh, hỏi ra thì đoàn xe vừa đi khỏi, tôi mang vali trở về với tâm trạng không hề hối tiếc và bị vợ la cho một trận vì đã chuẩn bị cho chồng mọi thứ trong cuộc hành trình dài, tôi còn nói; “Tui không thấy tiếc bà ơi”. Sáng hôm sau tôi vẫn đi làm việc bình thường với sự ngạc nhiên của anh em trong cơ quan. Lúc đó khoảng 8 giờ sáng, đang ngồi làm việc thì con gái lớn chạy ra bảo: “ Ba về coi nội sao tự nhiên té xỉu”, tôi vội về nhìn thấy bà nằm đó với khuôn mặt đỏ ửng, sờ tay không còn mạch, bà đã ra đi! Nếu chuyến tham quan của tôi thành công, khi trở về thì không còn nhìn thấy mặt mẹ mình nữa, chuẩn bị làm tuần 21 ngày cho bà. Có phải đó là điềm báo trước cho chuyến đi xa của tôi không thành? Đành rằng mất mẹ là cái mất mát lớn lao của con cái, nhưng làm sao sánh được với sự mất mát của người chồng đã mất đi người vợ yêu quí, ra đi để ông một mình trơ trọi khi tuổi đã về chiều. Mẹ mất đi,sau đám tang ông trở nên lặng lẽ, vì có những điều chỉ có vợ và chồng chia sẻ cùng nhau không thể nói cùng con cái, “ con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Nhiều lúc ông ngồi hàng giờ trước bàn vong của mẹ và yên lặng, trong ông là khoảng trống mênh mông, nỗi buồn và sự cô đơn không bao giờ được dịu lại.

            Ngày thường ông hay uống rượu, sau đám tang mẹ ông uống nhiều hơn, có lẽ trong cơn say để ông không còn nhớ, không còn biết mình vẩn còn đang tồn tại trong cái thế giới quạnh hiu này. Mấy bà chị vì lo cho sức khoẻ của ông nên thường bảo tôi không nên cho cha tôi uống nhiều rượu nữa. Biết làm sao được, tuổi già của ông có niềm vui nào khác khi chỉ còn lại một mình, có lẽ chén rượu là niềm vui duy nhất, hơi men là thứ duy nhất làm tâm hồn ông đỡ lạnh. Ông mất năm 2005, ba năm cuối cùng ông cũng bị chứng tai biến mạch máu nảo, ông sống gần như đời sống thực vật, chi em chúng tôi thay phiên nhau chăm sóc. Ông đã ra đi sau 10 năm sống mà không có nữa kia bên mình, ông trở về từ nơi ông đã ra đi, bỏ lại sau lưng cái vô thường của một đời người.

             Là thế, cuộc sống cứ hợp rồi tan theo quy luật bất biến bao đời nay, phải chăng con người đến với nhau rồi chia tay đều do mối nhân duyên đã định sẵn từ trước? Và cuộc sống là cái nợ mà mỗi người trong chúng ta khi đến đều phải trả, đều phải trải qua cảnh sinh ly tử biệt, đều nếm trãi những khổ ải trần gian, cái nợ đời ấy bám vào mỗi người cho đến giờ phút cuối cùng. Dù hiểu rằng sự ra đi là giãi thoát, là ra khỏi nơi giam hãm, trờ về nơi chốn bình yên, lìa bỏ nơi vô thường tìm về cõi vĩnh hằng. Nhưng có ai bình thản được khi chứng kiến những cuộc ra đi của người thân mình mà không đớn đau thương tiếc, có nỗi sợ hãi nào lớn hơn nỗi sợ hãi ấy.



THÁI TRI

SHARE

bantruongxua

Chào bạn. Rất vui khi bạn đã ghé thăm trang này. BTX mong bạn có nhiều ý kiến đóng góp. Chúc bạn vui và mạnh khỏe !

  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét