TTKH và HAI SẮC HOA TIGON

            Đã gần 70 năm rồi mà một nghi vấn trong văn học vẩn chưa được sáng tỏ, một tác phẩm, một tác giả vẩn làm cho biết bao người, tốn bao nhiêu giấy mực bao công sức để mong tìm hiểu về một con người có tên gọi là “ TTKH “, nhưng vẫn còn đó là dấu hỏi, một bí ẩn đã ở bên kia làn sương mù dày đặc không bao giờ tan.
           TTKH là ai ? là nam hay nữ cũng không ai biết, cũng chưa ai thấy được chân dung thật của TTKH, đã có một thời gian dài dư luận xôn xao kẻ thì nói nam người thì nói nữ nhưng cũng chỉ là võ đoán. Thì cứ cho là nữ đi, bởi vì dựa vào 4 bài thơ mang đầy tâm trạng của một người con gái thất vọng vì tình. 4 bài thơ được đăng trên các tạp chí trong một thời gian ngắn và từ đó TTKH và thơ không còn xuất hiện trên thi đàn nữa,chỉ có 4 bài thơ đẫm nước mắt hay còn nhiều nữa có ai dám khẳng định? Có thể nhiều người cho rằng khi gởi đăng trên tạp chí “ Bài thơ cuối cùng” thì không còn xuất hiện nữa và sự nghiệp thi ca của TTKH chỉ có vậy ?
            4 bài thơ thôi mà đã rộn lên như một điểm sáng khác lạ trên bầu trời thơ lãng mạn của những năm trong thập niên 30 của thế kỷ trước. Và  trong nội dung 4 bài thơ  TTKH đã thể hiện tâm trạng của một người con gái chìm đắm trong đau đớn, trong nổi khát khao mong đợi một chút hy vọng nắng ấm dù là mong manh, một chút hạnh phúc dẫu biết rằng không bao giờ viên mãn. Hay còn có những tác phẩm thơ khác mà người yêu thơ không bao giờ được thưởng thức , không ai đoán chắc được điều này. Cũng có thể là suy đoán, chỉ là suy đoán, ngoại trừ 4 bài thơ được đăng trên tạp chí còn lại con người và những câu chuyện chung quanh TTKH cũng là suy đoán và gán ghép! Rồi từ những nội dung trong 4 bài thơ nó có sự ngẫu nhiên trùng khớp với tâm trạng, với câu chuyện tình của mình, không ít người cho rằng “ nàng thơ “ ấy là người yêu của mình,là mối tình dang dở của mình ?

            Trong một thời gian rất dài nền thi ca Việt Nam bị ràng buộc bởi qui định của thể thơ Đường ( Thất ngôn bát cú,ngủ ngôn tứ tuyệt ) cái niêm luật cứng nhắc đó nó không cho người làm thơ bộc lộ hết những phóng khoáng, những tâm tư tình cảm, và hơn hết là những khát vọng, nỗi niềm mà người làm thơ muốn bày tỏ. Từ khi phong trào thơ mới và thơ tự do xuất hiện, cái vòng cương tỏa của niêm luật củ cũng không còn ràng  buộc họ như xưa nữa. Họ đã đi vào cái thế giới mới của thi ca ,thỏa sức thể hiện những tâm trạng, những khát vọng  của tâm hồn thơ muốn giãi bày. Thơ mới phát triển đồng thời với trào lưu của dòng thơ lãng mạn cũng xuất hiện – chủ yếu là thơ tình – Phải nói là trong thời kỳ lãng mạn ấy đã tác động sâu sắc đến con người ở giai đoạn đó, con người ta dễ đa sầu đa cảm, đọc một câu chuyện buồn trong tiểu thuyết tình cảm nói về sự chia ly cũng làm người đọc rơi nước mắt, hay nhặt một chiếc lá lìa cành họ cũng liên tưởng đến sự chia lìa cũng khiến người ta bi lụy. Thơ TTKH cũng ra đời trong giai đoạn đó, 4 bài thơ tình của TTKH cũng không ngoài những tâm trạng như đã nói, cũng yêu cũng dang dở xa cách, cũng mong chờ thất vọng, cũng đớn đau đầy nước mắt, thơ tình vốn như thế, có ai đem cái trọn vẹn, hạnh phúc viên mãn của mình lên thơ đâu?
            Trong 4 bài thơ của TTKH, chúng ta cũng thấy rõ điều đó, TTKH cũng muốn nói lên nỗi niềm của mình. Những lời thơ hay câu chuyện tình của mình. Sự ngây thơ của cô gái trong tình yêu mà cô không cảm nhận được cái định mệnh đắng cay đang chờ cô phía trước, rồi cô nhận ra rằng câu chuyện tình dang dở này là do cô, và liên tưởng  màu hoa là màu máu của con tim tan vỡ rồi chờ đợi lo âu ( hai sắc hoa Tigon  ). Như một định mệnh, họp tan là quy luật muôn thuở, những đau đớn, nhớ nhung trong câm nín được nén lại bằng nỗi cô đơn khắc khoải của người con gái lần đầu yêu và cũng là lần đầu tiên nếm trải sự xa cách, nỗi đau là một nhát cắt đã trở thành vết thương sẽ không bao giờ liền sẹo ( bài thơ thứ nhất ). Những tháng ngày sống bằng sự chờ mong vô vọng, tâm sự không thốt lên thành lời. cứ thế cuộc sống  từng ngày qua đi và lập lại như những đường đan trên áo,từng ngày của cô như mủi kim đan chậm chạp nhàm chán rồi thành chiếc áo vô tri, cô như cánh chim bị nhốt trong chiếc lồng luân lý chật hẹp cứ dõi mắt nhìn ngoài khung trời rộng ( bài thơ đan áo ). Cô đã dàn trải bằng những trang thơ để mong dịu đi những niềm riêng ẩn chứa trong lòng, nhưng cô vẩn bị phát hiện và câu chuyện của cô trở thành đề tài cho người đời đàm tiếu. Nỗi đau được dồn nén lâu dần thành hận, Bài thơ cuối cùng hay như dòng chữ cuối cùng của người thơ đầy uất nghẹn, hờn trách cái vô tình mà tàn nhẫn của  người ấy đem phô bày rao bán nổi đau hằng dấu kín ( bài thơ cuối cùng).

            Chúng ta có thể thấy rằng cái yêu và hận đã cắt đứt nguồn thơ của TTKH, hay là 4 bài thơ như một tâm sự được giải bày để rồi trở về như con chim trở lại chiếc “ lồng son “ định mệnh chôn chặt lòng mình, đời mình vào đó. Với cô tháng năm đi qua đời mình là thời gian chết, như những chiều hoàng hôn xám xịt ảm đạm  cô đã mãi chìm vào đó, vĩnh viễn như tâm hồn cô và nỗi cô đơn khắc khoải đã trộn lẩn, thuở ban đầu chỉ còn là nhớ nhung, hoài niệm được chôn kín:
                       Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
                       Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
                       Mà từng thu chết từng thu chết
                       Vẫn giấu trong tim bóng một người.
            TTKH làm thơ không nhiều, không nói là quá ít, vẻn vẹn chỉ có 4 bài thơ, nhưng đã để lại trong kho tàng thơ lãng mạn một điểm sáng và một nghi vấn không bao giờ được sáng tỏ. Và cái khác lạ của TTKH là dám nói lên tâm sự của mình bằng những dòng thơ với công chúng, mà trong giai đoạn đó người phụ nữ bị ràng buộc bằng những luân lý, dẫu có hay không những nổi niềm chỉ để trong lòng. Thiết nghĩ, ngoài thân thể hữu hình    phàm tục để phân biệt nam nữ ra, phần vô hình bên trong là cảm xúc, là tâm tư và mọi cái “ thất tình, lục dục” có gì khác đâu, nếu có chăng là cách thể hiện và do cái định kiến khe khắt của người đời.
             Xuất hiện trên bầu trời thơ như một vì sao băng rồi vụt tắt ngắn ngủi nhưng lại cho người đời bao nhiêu câu hỏi. Thơ TTKH là loại thơ tình lãng mạn như mọi bài thơ tình khác, không phải là một tác phẩm lớn như một số thi sỉ cùng thời khác. Trong giai đoạn đó, nhạc sỉ Đặng Thế Phong cũng không viết nhạc được nhiều, chỉ để lại cho đời 3 nhạc phẩm bất hủ nhưng người đời họ biết Đặng Thế Phong là ai, còn TTKH thì không. Cái khác và cái gây xôn xao của TTKH là ở đó và sẽ còn mãi.
             Ở đây, tôi không đi sâu vào những nội dung của 4 bài thơ của TTKH, bởi vì người đọc sẽ không bao giờ hiểu được hết hay đồng cảm được hết nỗi niềm mà người viết muốn giãi bày. Chỉ riêng bài Hai sắc hoa Tigon cũng đủ để nói lên tâm sự của một người con gái và mối tình dang dở. Trong bài thơ, với 4 câu đầu TTKH ( hay cô gái) đã nói lên tâm trạng của người con gái đang yêu,đang mong đợi người ấy đến với mình trong mỗi chiều phai nắng:
                             Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
                             Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
                              Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
                              Tôi chờ người đến để yêu đương
             Như những chuyện tình dang dở khác, cô gái đã có những trãi nghiệm của chính mình, cô đã nhận lảnh những đau đớn mất mát, và cô đã nhận ra điều đó mà trước đây cô chưa hề nghỉ tới. Cô chưa có những cảm nhận,hay linh cảm và hiểu được qui luật hợp tan, vì cô quá ngây thơ và đơn giãn. Cô nghĩ rằng tình yêu là sự gắn kết bền chặt giữa hai tâm hồn không có gì có thể chia cắt. Khác cô, anh cảm nhận được điều mà cô không hề cảm nhận, trong anh sự chia ly đã dần ẩn hiện; trong gần gũi đã có sự xa cách, tâm hồn anh mịt mờ như một chiều hoàng hôn nhạt nắng. Phải chăng anh hiểu chuyện hợp tan là định qui luật, hay cái số phận lãn tử đã gắn chặt vào đời anh như một định mệnh, anh như con thuyền không bến đổ, anh buồn vì sự liên tưởng đó mà chỉ riêng anh mới hiểu được. Còn cô không bao giờ hiểu, cô đã nhận thấy sự biểu hiện của anh, những ưu tư trong con người anh, nhưng cô vẩn không hề có cái dự cảm của sự chia ly,  chung quanh cô là mầu hồng, cô đang tràn ngập trong hạnh phúc yêu đương.
                               Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
                               Dãi đường xa vút bóng chiều phong
                               Và khung trời thẳm mờ sương cát
                               Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng
            Và vì vậy anh càng yêu cô hơn, yêu sự ngây thơ trong trắng, yêu cái tình yêu đang nồng cháy trong cô, yêu cái trọn vẹn hạnh phúc mà cô đang nắm giữ, anh cũng yêu và lo sợ luôn cái đớn đau của mối tình tan vở mà cô sẽ phải đối diện.
                               Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
                               Thở dài trong lúc thấy tôi vui
                               Bảo rằng hoa giống như tim vỡ
                               Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi
            Cô đã ngây thơ đến khờ dại, cô vô tâm với những điều anh nói còn anh nhìn nhũng cánh Tigon bay trong gió, trong buổi chiều hoàng hôn ảm đạm buồn như cỏi lòng anh, như sự chia ly đã gần hiện hữu,những cánh hoa rã rời và tình yêu của họ là cái gì đó thật mong manh dễ vỡ
                               Thuở ấy nào tôi có hiểu gì
                               Cánh hoa tan tác của sinh ly
                               Cho nên cười đáp”màu hoa trắng
                               Là chút lòng trong chẳng biến suy”
            Cô xem” màu hoa trắng” như tình yêu trong trắng của cô, cô không nghỉ đến một điều gì khác ngoài cái trọn vẹn cho một mối tình mà cô đã trao cho người mình yêu.Và cũng chính điều đó làm cô đau đớn khi đối diện với sự thật, anh đã ra đi thật rồi, cũng chính giờ đây cô mới nhận ra lời anh nói như một sự chia ly đã được báo trước. Anh để lại trong cô những khoảng trống mà không gì có thể lấp kín, nỗi buồn và sự cô đơn không gì có thể xoa dịu, sự ra đi của anh không có lời hẹn, cô đã chờ đợi trong vô vọng, rồi như mọi người con gái khác cô phải theo chồng.
                                Đâu biết người đi một lở làng
                                Dưới trời gian khổ chết yêu đương
                                Người xa tôi quá tôi buồn lắm
                                Trong một ngày vui pháo nhuộm đường.
            Cô đã tự bước chân vào cái định mệnh hay cái quy luật muôn đời như bao người con gái khác. Nhưng riêng cô, cô không đi tìm cho mình sự viên mãn của hạnh phúc mà là sự ghẻ lạnh thờ ơ, để rồi cô tự đếm thời gian và sự lạnh giá trong tâm hồn , gặm nhắm sự nhớ nhung trống vắng,và có lẻ là như thế cô như một tù nhân trong chính nhà tù của mình, trong tâm hồn mình mãi mãi…
                                Từ ấy thu rồi thu lại thu
                                Lòng tôi còn giá đến bao giờ
                                Chồng tôi vẩn biết tôi thương nhớ
                                Người ấy cho nên vẫn hửng hờ
                 Và:
                                Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
                                Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
                                Và từng thu chết, từng thu chết
                                Vẫn giấu trong tim bóng một người

            Kẻ vô tình hay cố ý đã đánh mất đi cái hạnh phúc mình đã có, đã từng ôm ấp nâng niu. Cô hiện hữu như một cái bóng ở bên lề hạnh phúc, như một người ngoài cuộc, chính vì nhận thức được điều đó nên cô càng buồn hơn, làm sao mà hạnh phúc được khi: Vẫn giấu trong tim bóng một người. Và với người chồng lạnh lùng xa lạ, với: Ái ân lạt lẻo của chồng tôi! Cuộc sống cứ thế dần trôi trong trong lặng lẻ cô đơn, những bất hạnh, nhàm chán. Nổi đau như đốm lửa tưởng đã nằm yên dưới lớp tro tàn lạnh lẻo thời gian, và cô cũng xin được bình yên trong trong niềm cô đơn khắc khoải, cũng xin được giấu kín nổi lòng của mình trong tận đáy sâu tâm hồn như đốm lửa nhỏ nằm yên dưới lớp bụi thời gian. Cuộc sống thật trêu ngươi, mọi sự diễn ra chung quanh cô làm cô liên tưởng, tạo ra cho cô nhiều xao động, như cơn gió thổi bùng ngọn lửa, như nhát dao cắt vào vết thương chưa liền sẹo. Cô đã đau càng đau hơn:
                                   Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
                                   Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
                                   Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ
                                   Và đỏ như màu máu thắm phai
                 Rồi cô nhớ lại:
                                     Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
                                     Một mùa thu trước rất xa xôi
                                     Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
                                     Làm lở tình duyên củ mất rồi
            Mối tình của cô và người ấy như một định mệnh nghiệt ngã  không thể vượt qua. Anh hiểu, bởi anh là một lãng tử, cuộc sống của anh bất định, tình yêu và sự gắn kết cũng mong manh dể vỡ, anh biết nó như một định mệnh đã gắn chặt vào đời mình.  Màu hồng và đỏ của hoa Tigon không phải là sự minh chứng, mà là sự liên tưởng chỉ riêng với mối tình của họ, màu hoa như màu máu của con tim tan vở, vì vậy anh đã nói: “ Hoa dáng như tim vở, anh sợ tình ta cũng vỡ thôi “. Nhưng cô thì không, với cô: “ Màu hoa trắng là chút lòng trong chẳng biến suy”. Rồi thời gian qua đi, khi hiểu ra thì tình xưa đã vỡ, một mình cô bước đi trong cuộc đời,lẻ loi và đối diện với sự bất hạnh của chính mình.
            Rồi cô lo sợ, sợ rằng một ngày nào đó trong một buổi chiều tàn thu muộn khi mà những cánh Tigon rụng bay đầy trong gió, trong cảnh hoàng hôn ãm đạm người ấy sang sông trở về:
                                      Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
                                      Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu
                                      Gió về lạnh lẻo chân mây vắng
                                      Người ấy sang sông đứng ngắm đò
                 Rồi cô càng lo sợ hơn khi:
                                      Nếu biết răng tôi đã lấy chồng
                                      Trời ơi người ấy có buồn không
                                      Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ
                                      Tựa trái tim phai tựa máu hồng
             Cô lo sợ ngày hội ngộ mà cô không hề mong muốn, gặp lại làm chi khi đã quá muộn màng. Với anh là sự cay đắng, với cô là sự bẻ bàng vì lỗi hẹn, trong anh và cô chỉ còn là những cánh Tigon đỏ – hồng hai sắc.
            Trong 44 câu thơ của bài Hai sắc Hoa Tigon của TTKH, với 11 khổ thơ ( 4 câu ), mỗi khổ thơ tác giả đã diển tã một tâm trạng hay nói lên nổi lòng của chính mình là người trong cuộc? Diển biến bài thơ có thể chia thành 3 phần, mỗi phần là một biểu cảm khác. Phần đầu,  tác giả diển tả tâm trạng cô gái đang yêu, dự cảm của chàng tai về sự chia ly, chàng ra đi và cô lấy chồng. Tiếp theo là nỗi buồn của cô gái bên người chồng không yêu, sự ghẻ lạnh của chồng , nhớ thương người tình củ, cuối cùng là sự lo sợ khi người yêu củ tìm về, đau đớn khi gặp lại.


             Ở đây tôi không dám tìm hiểu hay phân tích về TTKH tác giả bí ẩn của 4 bài thơ bất hủ, vì điều này đã hơn 70 năm đã có bao nhiêu người, tốn bao nhiêu giấy mực công sức để tìm hiểu mong làm sáng tỏ đôi điều về tác giả, nhưng vẩn còn là dấu hỏi,là nghi vấn và chắc là sẽ không bao giờ có lời giải thích thỏa đáng. Có thể có nhiều người phân tích thơ TTKH trên nhiều góc độ khác như tình yêu trong thơ, sự hoài niệm, những tiếc nuối cho mối tình đầu dang dở, những bất hạnh trong cuộc hôn nhân gượng ép mà nhân vật trong thơ đã chọn lựa…mà tôi chỉ nói đôi điều về một khía cạnh khác của nhân vật ( hay tác giả) trong thơ là: Sống và chấp nhận thực tại mà mình đang sống, khi mà trong cuộc sống này mà ta luôn vọng tưởng tới những gì mà ta đã đánh mất, mãi mãi không tìm lạt được,nó càng làm ta hụt hẫng hơn bi đát hơn như nhân vật trong thơ đã từng nếm trải.
                  Nhà thơ Thế Lử đã viết :
                                     Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy
                                     Ngàn năm hồ dể đã ai quên
            Tình yêu là cái gì đó vô hình, là cảm nhận đầu đời nhưng là dấu ấn đã ăn sâu vào trong tâm thức của mỗi người trong chúng ta, và trong suốt cuộc hành trình còn lại của cuộc đời luôn mang theo như mang một dấu ấn đáng nhớ, một kỹ niệm ban đầu không thể nào quên, tâm hồn mình càng thêm phong phú, cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn thi vị hơn. Trong chúng ta, ai không có “ cái thuở ban đầu” ấy, mà có mấy ai được trọn vẹn viên mãn, có mấy ai lần đầu tiên gặp gở, yêu nhau và cùng nắm tay đi hết chặng đường đời còn lại. Hay cuộc sống nó vẩn tồn tại một qui luật hợp tan, cái “ duyên và nợ” là cặp từ luôn song hành nhưng cũng không hoàn toàn gắn kết. Trong thơ, cô và người ấy yêu nhau là “ duyên” rồi cô lấy người chồng không yêu là “ nợ”, cuộc sống đôi khi không cho chúng ta sự chọn lựa, mà bắt chúng ta phải tuân theo một sự sắp đặt ngẫu nhiên nào đó, thôi thì đừng cưỡng cầu hãy sống và tìm hạnh phúc trong cái bất hạnh, trong cái không toàn mỹ tạo cho mình một nơi chốn bình yên.

            TTKH thì không, nhân vật trong thơ không yên phận, cô nói rằng “ vẩn giấu trong tim bóng một người” nhưng cô nào có giấu đâu , 4 bài thơ được đăng trên tiểu thuyết thứ 7 đã tố cáo cô thì cô còn trách ai. Cuộc trăm năm của cô không trọn vẹn, đành như thế nhưng chính cô không tròn phận, sống với chồng mà luôn nghỉ về người ấy, vẩn hoài niệm một mối tình tan vở, để rồi chồng cô đã phát hiện ra trong tim cô vẩn còn một bóng hình khác. Sự ghẻ lạnh là điều không thể không xảy ra, cô đã tạo ra một khoảng cách không thể hàn gắn với chồng, người mà cô chung sống cả đời. Cô còn vọng tưởng, không bằng lòng với thực tại và bổn phận, cô phá vở cái hạnh phúc lẻ ra cô phải vun vén,, cảnh “ đồng sàng dị mộng” và chính cô đã tạo ra .
    Thi sỉ Hồ Dzếnh đã viết:
                                      Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
                                      Đời mất vui khi đã vẹn câu thề
            Tình yêu là vậy, là mảng mầu hồng hạnh phúc hoàn mỹ, không ít kẻ ngộ nhận điều đó, đôi khi chỉ là những ảo tưởng, TTKH không đi ra ngoài những suy nghĩ như thế. Cô đâu biết rằng phía sau cái mầu hồng của tình yêu là thực tại cuộc sống đầy những bất trắc xô đẩy người ta vào những bất hạnh không mong muốn. Sau tình yêu là cuộc sống, mà đã là cuộc sống  thì nó không đơn giãn chỉ là hạnh phúc,là sự êm đềm bình lặng, nhưng đôi khi là sóng gió bảo bùng, là những nghịch cảnh. Chắc gì tình yêu của họ đẹp khi tròn ước nguyện, hay lại đối diện với phủ phàng đẻ rồi bức tranh hạnh phúc của họ nhuốm những mãng màu xám xịt. Thiên tình sử chỉ đẹp khi ở trong thơ và nhạc, có mấy ai tìm được cho mình một thiên đường hạnh phúc!
            Có lẻ tôi đã có cái nhìn khắt khe trong chuyện tình của TTKH, không biết thực hư như thế nào, sự thật hay là hư cấu. Nếu không có 4 bài thơ “ thất tình”, không có một TTKH ẩn danh giấu mặt thì sẽ không có 70 năm tìm tòi khám phá, thì sẽ không có những xôn xao trên thi đàn, và cũng không có kẻ “ nói vơ vào người yêu”.

THÁI TRI


SHARE

bantruongxua

Chào bạn. Rất vui khi bạn đã ghé thăm trang này. BTX mong bạn có nhiều ý kiến đóng góp. Chúc bạn vui và mạnh khỏe !

  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét